Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt công tác chuyển đổi số trong thời gian tới.

Chiều 10/11, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh tổ chức họp phiên thứ nhất để triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải – Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chủ trì cuộc họp.

Tham dự có Thượng tá Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc Công an tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban ngành.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, các nhiệm vụ theo Kế hoạch số 18/KH-BCĐ ngày 18/4/2022 của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 09/3/2022 của UBND tỉnh cơ bản đã được phối hợp tổ chức thực hiện. Đến nay, 19/34 đầu việc đã hoàn thành, 12 đầu việc đã và đang tiếp tục thực hiện đến hết năm, còn 3 đầu việc chưa triển khai thực hiện.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đậu Tùng Lâm báo cáo kết quả thực hiện chuyển đổi số.

Đến nay, khoảng 98% vùng dân cư đã phủ sóng di động 4G, cáp quang đến 100% xã; còn một số vùng dân cư chất lượng Internet di động 4G kém hoặc chưa có. Dự kiến năm 2023 thực hiện xóa 100% vùng “lõm” sóng.

Tỷ lệ thuê bao di động đạt 94,3 thuê bao/100 dân; internet băng rộng cố định đạt khoảng 12,8 thuê bao/100 dân. Năm 2022, đã phát triển thêm mới 87 trạm thu phát sóng BTS.

Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh đang được nâng cấp, bổ sung các trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đang ngày càng tăng của các cơ quan nhà nước.

 

Về chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, 100% văn bản gửi nhận giữa các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, 95% giữa cơ quan cấp xã với các cơ quan cấp tỉnh và huyện (trừ các văn bản mật) được thực hiện qua môi trường mạng. 100% cơ quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, ứng dụng đồng bộ chữ ký số.

Thực hiện kinh tế số, xã hội số, Cục Thuế tỉnh đã phối hợp các ngành, địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai ứng dụng hoá đơn điện tử; UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế; 100% các huyện, thành phố, thị xã đã ban hành kế hoạch triển khai tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn…

Về đô thị thông minh, hệ thống Giám sát và Điều hành thông minh tỉnh (IOC) đã được triển khai, gồm 7 phân hệ cơ sở dữ liệu.

 

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục thực hiện kế hoạch về phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng; triển khai Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Hà Tĩnh phiên bản 2.0; triển khai ứng dụng hiệu quả nền tảng tích hợp, chia sẻ dùng chung cấp tỉnh, kết nối liên thông với nền tảng tích hợp và chia sẻ quốc gia; tuyên truyền về hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp…

Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh cũng đã xây dựng dự thảo Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2023 với mục tiêu tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX về “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025”; từng bước xây dựng, phát triển chính quyền số trên phạm vi toàn tỉnh, thúc đẩy cải cách hành chính, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế số, xã hội số.

 

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt đánh giá hiệu quả việc thực hiện ứng dụng chuyển đổi số, số hóa trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm.

Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, cơ quan, đơn vị đã trao đổi, đánh giá về những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực phụ trách; nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và đề xuất một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu cho rằng cần quan tâm hơn đến cơ sở dữ liệu dùng chung và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp tỉnh, các chỉ số đánh giá chuyển đổi số. Các ngành cần rà soát việc triển khai kế hoạch cơ sở dữ liệu đã được thực hiện đến đâu; Sở Thông tin và Truyền thông đánh giá lại việc triển khai các nền tảng chuyển đổi của các ngành và đánh giá mức độ hoàn thành việc chuyển đổi số của các ngành, lĩnh vực trong năm 2022.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải nhận định, thời gian qua, một số nội dung quan trọng đã được triển khai như: thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số, ban hành quy chế hoạt động; triển khai tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn tỉnh; tham mưu BCH Đảng bộ tỉnh ra Nghị quyết về chuyển đổi số.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải kết luận cuộc họp.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt công tác chuyển đổi số và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị nhằm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong thời gian tới.

Theo đó, đề nghị Sở Nội vụ chủ trì, tham mưu đề án cơ cấu tổ chức, biên chế của Sở Thông tin và Truyền thông; trong đó quan tâm điều kiện bộ máy nhân lực đáp ứng yêu cầu công tác chuyển đổi số. Công an tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư.

Cục Thuế tỉnh đôn đốc, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện ứng dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh. Ngân hàng Nhà nước tỉnh chủ trì, tham mưu thành lập Tiểu ban về ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, tham mưu thành lập Tiểu ban chuyên trách về phát triển dịch vụ công trực tuyến. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tham mưu thành lập Tiểu ban về chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Sở Thông tin và Truyền thông phát huy vai trò cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, chủ động tham mưu các nhiệm vụ; đặc biệt là các giải pháp cụ thể khắc phục chỉ số xếp hạng chuyển đổi số thấp so với các tỉnh cả nước; chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan thành lập Tiểu ban phát triển xã hội số; thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn và giám sát hoạt động chuyển đổi số; tăng cường công tác bảo đảm an toàn các hệ thống thông tin, công tác thông tin truyền thông.

Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, tham mưu bố trí kinh phí cho kế hoạch chuyển đổi số năm 2023. Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số cấp huyện tăng cường phối hợp với các sở, ngành triển khai các nền tảng dùng chung. TP Hà Tĩnh và TX Kỳ Anh tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án thí điểm mô hình đô thị thông minh./.

Theo BHT


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    Chương trình phát thanh
     Liên kết website
    Thống kê: 176.078
    Online: 8