Khái quát đặc điểm chung của xã Sơn Hàm

        Sơn Hàm là xã miền núi nằm về phía Tây Nam của huyện Hương Sơn, cách trung tâm huyện 3 km. Xã có chiều dài 7 km, chiều rộng 4 km, tổng diện tích tự nhiên là: 2.247,29 ha. Phía Bắc giáp xã Sơn Diệm, thị trấn Phố Châu; phía Đông giáp xã Sơn Phú, Sơn Trường; phía Nam giáp huyện Vũ Quang; phía Tây giáp xã Sơn Tây.

Địa hình Sơn Hàm chủ yếu là đồi núi (chiếm ¾ diện tích), cao nhất là đỉnh Cây Khế (443m) làm ranh giới tự nhiên phân chia xã với Sơn Tây. Ở Sơn Hàm còn có dãy núi Hàm Rồng (thuộc dãy núi Trường Sơn) nằm về phía Tây và Tây Nam; núi Động Cao nằm về phía Tây Bắc xã. Những dãy núi này làm ranh giới tự nhiên giữa xã Sơn Hàm với các xã Sơn Diệm và huyện Vũ Quang. Ở giữa xã còn có đồi cây Trai và đồi Bác Tam (nơi đặt trụ sở xã). Thủa xưa, vùng đồi núi Sơn Hàm cây cối rậm rạp, có nhiều loại gỗ quý như: lim, sến, táu; các loại nứa, song mây nhiều vô kể. Ngoài ra, trên núi còn có nhiều loại củ như: củ mài, củ nâu; các loại dược liệu như: hà thủ ô, thiên niên kiện….Rừng Sơn Hàm còn có nhiều thú như: hổ, báo, hươu, nai, chồn, cáo, lợn rừng, tắc kè, khỉ, voi…Các loại chim đa dạng như: đa đa, gà ri, bìm bịp, chim cuốc, chim sáo, chim gáy… Rừng núi Sơn Hàm với thảm thực vật phong phú, động vật đa dạng, trở thành nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân khi mất mùa, giáp hạt. Đồng thời, rừng cũng là nơi cung cấp các nguyên vật liệu dựng đình, đền, làm nhà và dược liệu chữa bệnh.

        Rừng núi Sơn Hàm còn là nơi các anh hùng hào kiệt lập căn cứ chống giặc ngoại xâm và cường quyền áp bức. Tiêu biểu là vùng núi Hàm Rồng nơi nghĩa quân Phan Đình Phùng lập căn cứ đánh Pháp trong phong trào Cần Vương. Địa danh “khe Đồn Rèn” bắt nguồn từ đây. Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đất và rừng Sơn Hàm là hậu cứ quan trọng, nơi đón nhận nhiều cơ quan, đơn vị về đây sơ tán, bảo vệ lực lượng, cất giấu quân lương, kho tàng cho Nhà nước. Tuy nhiên, từ những năm 80 của thế kỷ XX, rừng Sơn Hàm bị tàn phá nặng nề làm mất đi vốn quý mà thiên nhiên ban tặng gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sản xuất của con người. Hơn 15 năm trở lại đây, với sự cố gắng cứu rừng, nỗ lực trồng và bảo vệ rừng của toàn Đảng, toàn dân, diện tích đồi núi, rừng ở Sơn Hàm bắt đầu xanh tươi trở lại với hàng vạn cây bạch đàn, keo, thông...

        Len lách giữa các rừng núi là nhiều dòng khe như: Khe Mơ, Khe Ngủ, Cây Su, Cây Chanh, Hang Nhẹch, Đồng Cừa. Với trữ lượng nước, lưu lượng dòng chảy không lớn nhưng là nguồn cung cấp nước cho các hồ đập hiện nay như: đập Bình Khê, đập Khe Mơ…

        Trải qua hàng trăm năm lịch sử, các dòng họ về đây sinh sống, khai khẩn đất hoang, tạo nên những cánh đồng như: Cây Mít, Đồng Họ, đồng Quan, Đồng Quýnh, Làng Chùa…; có nơi là đồng ruộng bậc thang ven các đồi núi như: Ghe Rồng, Hố Trổ, Hố Choi, Cây Tran, Ung Chách, Ung Trợ. Do đất đai nghèo chất dinh dưỡng, tập quán sản xuất của nhân dân còn lạc hậu, phụ thuộc vào thiên nhiên nên việc thiếu ăn ngay cả khi mùa vừa thu hoạch xong còn phổ biến. Ngày nay, đất nông nghiệp được mở rộng với 1.782,82 ha, bờ vùng, bờ thửa được kiến tạo như ô bàn cờ vừa giữ được nước vừa thuận lợi trong quá trình cày cấy cũng như thu hoạch.

        Đường giao thông của xã trước đây chỉ là những lối mòn luồn lách giữa các hẻm núi, đường làng, ngõ xóm nhỏ hẹp bị che phủ bởi cây cối khiến cho hoạt động giao lưu của người dân Sơn Hàm trước đây kém phát triển. Từ năm 2001, Nhà nước đã chủ trương mở tuyến đường Hồ Chí Minh - con đường chiến lược phát triển kinh tế của cả nước chạy qua xã dài 270 m đã tạo cho Sơn Hàm điều kiện thuận lợi để thông thương với các vùng, miền khác. Ngoài ra, hệ thống đường liên xã, liên xóm ở Sơn Hàm đang ngày được hoàn thiện theo hướng cấp phối, bê tông và nhựa hóa. Tổng chiều dài đường trục chính là 14,1 km (trong đó đường nhựa 9,5 km, đường bê tông 3,2 km, đường cấp phối 1,4 km), 33,5 km đường liên thôn, 33 km đường trục thôn, xóm, việc đi lại của nhân dân ngày càng thuận lợi hơn.

        Là xã nằm trong tiểu vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa lại bị chi phối bởi yếu tố địa hình sườn Đông dãy Trường Sơn nên có sự phân hóa phức tạp. Mỗi năm có hai mùa rõ rệt:

        Mùa nóng: kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9, nhiệt độ trung bình khoảng 300 - 350C. Về mùa này, Sơn Hàm chịu ảnh hưởng của gió phơn Tây Nam (thường gọi là gió Lào) xuất phát từ Ấn Độ Dương, qua Thái Lan và Lào gây mưa, khi vượt qua dãy Trường Sơn sang Việt Nam bị biến tính trở nên khô và nóng. Gió thường hoạt động từ tháng 4 đến tháng 8, mạnh nhất là vào các tháng 5, 6 với cường độ thổi từ 11-14 giờ trong ngày, gây khô nóng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Tuy nhiên, vào cuối mùa nắng khí hậu có sự thay đổi khá rõ: từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 10 mưa bão xảy ra thường xuyên gây ngập lụt nhiều nơi. Lượng mưa trung bình của địa phương trong mùa này chiếm 80 - 90%, lượng mưa cả năm đạt từ 1.300 - 2.300 mm.

        Mùa lạnh: kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Gió mùa Đông Bắc kéo từ cao áp Sybia vào làm cho nhiệt độ của vùng nhanh chóng giảm xuống. Thời kỳ đầu gió mùa Đông Bắc gây mưa lớn nhưng về sau lại chuyển sang mưa phùn và giá rét. Rét nhất là tháng Chạp (tháng 12 âl) và tháng Giêng (tháng 1 âl), nhiệt độ có khi xuống dưới 100C. Trong mùa này thường xuất hiện sương mù dày đặc vào các ngày chuyển tiếp từ lạnh sang nắng ráo. Với đặc điểm khí hậu này gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người, gia súc và hoạt động sản xuất./.

Bản đồ hành chính
Chương trình phát thanh
 Liên kết website
Thống kê: 179.567
Online: 10