Khái quát về Lịch sử và Văn hóa xã Sơn Hàm
Hiện nay, chưa có những phát hiện về sự tồn tại của người nguyên thủy và những dấu tích về người Việt cổ qua thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc đến ngàn năm Bắc Thuộc trên đất Sơn Hàm. Tuy nhiên, ở Hương Sơn các nhà khoa học đã phát hiện di chỉ đồ đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn ở xã Sơn Phú. Sơn Hàm có diện tích đồi núi khá lớn và những thung lũng màu mỡ, giáp ranh với xã Sơn Phú vì thế, trong quá trình sinh sống, tìm kiến thức ăn, nước uống, cư dân Việt cổ đã đến đây là điều không thể tránh khỏi. Mặt khác, ở Hương Sơn còn tồn tại 13 kẻ(1) - đơn vị dân cư tương đương với làng sau này, là dấu tích của những làng rất cổ. Trong 13 kẻ đó thì Sơn Hàm ngày nay có nguồn gốc từ kẻ De, được hình thành ven triền núi Đại Hàm. Theo bài viết: Sự hình thành và phát triển dân cư ở Hương Sơn từ thời cổ đại đến thời Nguyễn của Hồ Hữu Phước in trong Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh đã ghi: Có những “Kẻ” rất cổ như kẻ De ở vùng sâu dưới chân núi Đại Hàm có đường tắt sang Lào, từng là căn cứ địa của nghĩa quân Phan Đình Phùng cuối thế kỷ XIX”. Từ những cứ liệu đó cho thấy Sơn Hàm là mảnh đất cổ, có con người sinh sống từ lâu đời nhưng đến nay không còn di duệ.
Từ thế kỷ X - XV, ở vùng đất Sơn Hàm ngày nay đã có một số dòng họ từ các nơi đến đây sinh sống như: dòng họ Phan Đán, Lê Bôi là quan lại quý tộc nhà Trần chạy đến làng Tình Di lánh nạn giặc Minh rồi lập ra dòng họ Phan, Họ Lê ở Tình Di hiện nay. Đến nay, dòng họ Phan đã trải qua 19 đời, dòng họ Lê có 19 đời.
Theo gia phả dòng họ Đào Viết ở Phố Châu đã ghi: thỉ tổ của họ Đào Viết là ông Đào Viết Hòa cháu của ông Đào Quang Nhiêu - một vị quan lập nhiều công lớn thời vua Lê, Chúa Trịnh, ông quê ở xã Tuyền Cam (huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, nay là Hà Nội), từng làm trấn thủ Nghệ An. Ông Đào Viết Hòa đã đến đất kẻ De gần chân núi Đại Hàm (nay là Sơn Hàm) để sinh sống. Ngài chiêu dân, lập ấp xây thành đắp lũy, đúc tiền đồng. Sau khi ngài mất (1747 - 1820), tổ bà Phạm Thị Nhữ đã đưa gia đình ra vùng đất Bố Trại (xóm Côi và xóm Gát) sinh sống lập nên dòng họ Đào ở Phố Châu ngày nay.
Ngoài các dòng họ Phan, Lê, Hồ Huy, Hồ Hữu, Hồ Đình ở Sơn Hàm hiện nay còn có các dòng họ Nguyễn, Phạm, Trần, Đinh, Lê, Uông…đến đây sinh sống.
Có thể thấy rằng cư dân ở Sơn Hàm trước đây chủ yếu là những người chạy nạn, phiêu bạt đến đây sinh sống, lúc đầu chỉ khoảng vài chục hộ, lập thành các trang, ấp nhưng sau đó phát triển thêm dần dần tạo nên các xóm, làng. Trước năm 1945, làng Tình Di có khoảng 300 hộ; năm 1954, xã có 430 hộ, 1.486 khẩu; năm 1985, xã có 709 hộ, 3.290 nhân khẩu; năm 2010, xã có 985 hộ, 4.246 khẩu.
Về tên gọi, xã Sơn Hàm trước đây có tên là Kẻ De sau gọi là làng Tình Di thuộc tổng Hữu Bằng gồm có hai thôn: Trung Thuận và Hùng Thượng. Thôn Trung Thuận gồm: xóm Tre, xóm Lậm; thôn Hùng Thượng gồm các xóm Phượng Hoàng, Mai Lĩnh. Cuối năm 1945, thực hiện chủ trương bỏ cấp tổng, thành lập chính quyền 4 cấp, hai làng Tình Di và Phố Châu nhập thành xã Hàm Phố gồm có 8 xóm. Tên gọi các xóm theo số học. Tháng 7.1954, xã Hàm Phố tách ra thành hai xã Sơn Hàm và Sơn Phố. Xã Sơn Hàm lúc đó gồm có các xóm: Tượng Sơn; Anh Sơn; Mai Lĩnh, Phượng Hoàng, Hàm Giang, Trường Sơn; Hùng Sơn; Liên Sơn. Đến cuối năm 2012, Đảng ủy xã quyết định thay đổi địa giới các xóm để xây dựng nông thôn mới, xã Sơn Hàm từ 14 xóm chuyển thành 8 thôn là: Tượng Sơn, Anh Sơn, Phượng Hoàng, Mai Lĩnh, Hàm Giang, Hùng Sơn, Liên Sơn, Bình Sơn
Tình hình dân cư, làng xóm ở Sơn Hàm có sự thay đổi theo thời gian gắn với quá trình lao động, sản xuất, khai phá đất hoang, rừng núi, đầm lầy để tạo nên nương rẫy, đồng ruộng. Đó cũng là quá trình lập “Kẻ”, lập làng để tụ cư. Đến nay, Sơn Hàm đã trở thành một đơn vị hành chính thuộc huyện Hương Sơn có nền kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.
Cư dân Sơn Hàm trước đây chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp. Tuy nhiên do đặc điểm là vùng bán sơn địa, chưa mưa đã lũ, chưa nắng đã hạn, đất đai ít màu mỡ vì thế hiệu suất nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Cả xã chỉ có một số đất ở vùng thung lũng bằng phẳng như: Cây Mít, Cây Gôm, Đồng Họ, Đồng Cừa, Đồng Vại, Đồng Tráng, Chó Lọt, Cho Ca, Chó Môn, Cây Lội làm 2 vụ lúa còn lại đều làm một vụ lúa hoặc chuyên màu. Hình thức canh tác là cấy mạ và gieo khô. Giống lúa là các loại giống của địa phương chịu hạn nhưng năng suất thấp như: lúa trấn, lúa bát, lúa lốc, lúa đỏ, lúa chè, nếp rồng, nếp bọt…Các biện pháp thâm canh tăng năng suất, phòng trừ sâu bệnh, làm thủy lợi hầu như không có. Phân bón chủ yếu là phân chuồng, phân xanh; công cụ sản xuất là cày 58, cày chìa vôi, bừa cỏ răng gỗ, gồ đập đất, liềm, hái. Năng suất lúa dưới 25 kg/sào. Hoa màu gồm các loại khoai lang, sắn, khoai môn, khoai nưa, khoai từ được trồng trong vườn hoặc ven đồi.
Kết hợp với làm ruộng, người dân Sơn Hàm còn khai thác lâm sản như đốt than, chặt củi, đào củ mài, lấy mây, song, nứa, thu hái dược liệu. Đồi núi Sơn Hàm có nhiều chim thú.
Chăn nuôi ở Sơn Hàm tương đối phát triển. Hầu như nhà nào cũng nuôi trâu, bò để phục vụ sức kéo; lợn, hươu, dê, gia cầm để phục vụ thực phẩm. Trâu bò được thả rông trên núi để ăn cỏ và các loại lá cây, còn lợn, gia cầm thì tận dụng các loại rau, củ, thức ăn thừa ….Các loại thức ăn công nghiệp không có. Vì vậy, tuy hiệu quả đưa lại thấp nhưng chất lượng của thực phẩm đảm bảo.
Về ăn, ở, mặc, đi lại của người dân Sơn Hàm xưa còn nhiều khó khăn, lạc hậu. Nhà ở chủ yếu là nhà tranh vách đất, có cột chôn. Vật liệu làm nhà có sẵn trong rừng như: gỗ, tre, nứa, săng... Nhà ở được làm đơn sơ do các gia đình giúp nhau dựng nên. Nhà thường ngoảnh mặt theo hướng Nam, Đông Nam hoặc Tây Nam để cho thoáng mát. Xung quanh nhà có hàng rào bao quanh, trong vườn có các loại cây ăn quả như: mít, nhạn, bưởi rau, củ…
Do trình độ lạc hậu, năng suất thấp, sản lượng ít nên người dân Sơn Hàm xưa ăn uống kham khổ. Cơm độn 2, 3 phần khoai sắn, hàng năm thiếu ăn 3 - 4 tháng. Thức ăn chủ yếu là cà muối, rau trồng trong vườn; tôm, tép, cá, cua, ốc ếch bắt ngoài đồng, các khe suối.
Về mặc, người dân Sơn Hàm mặc bằng vải thô, nhuộm nâu, tự may vá. Nghề trồng bông, dệt vải, nuôi tằm không phổ biến.
Người dân Sơn Hàm chủ yếu vận chuyển bằng đôi chân và hai vai. Các phương tiện xe kéo hầu như không có. Với chiếc đòn xóc, đòn gánh trên vai, người dân Sơn Hàm quanh năm vất vả, lam lũ trên các cánh đồng, trong các khu rừng cách nhà 1-2 cây số. Với đôi chân trần người dân không quản ngại nắng mưa ra đồng, vào rừng hay thăm viếng anh em, bạn bè.
Nền nông nghiệp Sơn Hàm còn lạc hậu, mang tính tự cung, tự cấp, khép kín và độc canh. Giao thông không thuận tiện, cách xa các khu trung tâm kinh tế, chính trị nên sự giao lưu với các vùng bên ngoài chậm. Đến trước năm 1945, kinh tế Sơn Hàm vẫn là kinh tế thuần nông, khép kín, kém phát triển.
Về tôn giáo: đại bộ phận người dân Sơn Hàm chịu ảnh hưởng của Nho giáo, Đạo lão, Phật giáo. Dù nhà giàu hay nhà nghèo, có học hay thất học, ai cũng biết một ít học thuyết của Đức tổ Khổng Tử về “tam cương”, “ngũ thường”, “tam tòng”, “tứ đức” để đối nhân xử thế trong cuộc sống hàng ngày. Và cũng rất coi trọng thuyết “từ - bi - hỷ - xả” mong cứu khổ, cứu nạn của Phật giáo bởi các triết lý đó phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc ta. Đạo Lão cũng có ảnh hưởng qua việc xây dựng các đền, miếu. Ở Sơn Hàm trước đây có đền Cả thờ thành hoàng làng nhưng đã bị dỡ bỏ trong cải cách ruộng đất. Ngoài ra, ở Sơn Hàm còn có các điện thờ thần, thánh như: điện Chó Môn, Cây Trảy, Cây Trai, Đại Vàng, Đất Đỏ. Các điện này hiện nay cũng không còn, vì bị tháo dỡ trong thời kỳ thành lập hợp tác xã (1959).
Về tín ngưỡng: cũng như mọi người dân Việt Nam, người dân Sơn Hàm thờ cúng ông bà tổ tiên. Các Gia đình dù có của hay đói nghèo, quan chức hay dân thường, con trưởng hay con thứ đều có bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ tổ tiên, ông bà được đặt ở nơi trang nghiêm, sạch sẽ. Vào các ngày tết, ngày giỗ, ngày rằm, mồng 1, mọi nhà đều tổ chức thắp hương, cúng đơm. Người có của thì mâm cỗ khang trang, nhà nghèo đói thì trầu cau, hương, rượu không ai sao nhãng. Sự bảo lưu, gìn giữ phong tục này thể hiện nét đẹp của người dân Sơn Hàm về nguồn cội, về lòng biết ơn “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ông bà đã xây đắp nên tình yêu quê hương, đất nước của người dân Sơn Hàm nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Là cư dân chủ yếu làm nông nghiệp nên việc cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, đồng ruộng tốt tươi, cuộc sống bình yên, no đủ là điều dễ hiểu. Vì thế, người dân Sơn Hàm trước đây thường thể hiện mong ước đó qua các lễ cầu yên, cầu phúc hàng năm. Ngoài ra, trong năm người dân còn tổ chức ăn rằm tháng Giêng, tháng Bảy, mồng 5 tháng 5 (tết Đoan Ngọ)…
Cùng với tín ngưỡng, người dân Sơn Hàm có những tục lệ, tập quán vừa mang sắc thái chung của người Việt vừa mang nét đăc trưng riêng hiện vẫn còn lưu giữ như: tục ăn trầu, uống nước chè xanh, nấu bánh chưng, bánh dày ngày tết…
Sinh hoạt văn hóa, truyền thống văn hóa dân gian ở Hương Sơn nói chung, Sơn Hàm nói riêng tương đối phong phú. Bao gồm: hát ví, hát đối và tổ chức các trò chơi. Hàng năm vào dịp tết Nguyên Đán, lễ Kỳ yên, Kỳ phúc. Các tiết mục văn nghệ, các trò vui chơi, giải trí diễn ra hết sức sôi nổi. Các phường hát đối, hát ví, … thu hút nhiều người xem./.
(1) Mười ba kẻ ở Hương Sơn đó là: kẻ Mui, kẻ Tàng, kẻ Ác, kẻ De , kẻ Quát, kẻ Mỏ, kẻ Sét, kẻ Trảy, kẻ Trúa, kẻ Động, kẻ Rái, kẻ Eo, kẻ E(2)