Tăng tuổi nghỉ hưu, không phân loại rác sẽ bị xử phạt, điều chỉnh giá xăng 10 ngày một lần... là những chính sách có hiệu lực từ đầu năm 2022.
Tăng tuổi nghỉ hưu
Năm 2022, tuổi nghỉ hưu của lao động nam trong điều kiện làm việc bình thường sẽ là 60 tuổi 6 tháng và lao động nữ là 55 tuổi 8 tháng; thay vì lần lượt 60 tuổi 3 tháng và 55 tuổi 4 tháng như năm 2021.
Tùy trường hợp, người lao động có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định. Người được nghỉ hưu sớm gồm lao động có đủ 15 năm trở lên làm nghề nặng nhọc, độc hại nằm trong danh mục quy định; người làm việc 15 năm trở lên ở vùng điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; người bị suy giảm khả năng lao động từ 61%.
Ngược lại, lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu muộn hơn, nếu đạt được thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Công nhân làm việc tại xưởng Công ty may mặc Dony, quận Tân Bình, TP HCM, ngày 21/10/2021
Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh hàng năm kể từ 2021, thêm ba tháng với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028; thêm bốn tháng với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Không phân loại rác thải sẽ bị xử phạt
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực từ 1/1/2022, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại theo các nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Cơ sở thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý.
Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng phải bố trí thiết bị, công trình lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với các loại chất thải theo quy định của Luật này. Người dân tại chung cư cần phân loại rác theo hướng dẫn của chủ đầu tư, ban quản lý...
Theo điều 20 Nghị định 155 năm 2016, nhà chức trách phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng với cá nhân, hộ gia đình có hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng, thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Theo Luật, chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác được tính toán dựa trên pháp luật về giá; khối lượng hoặc thể tích rác đã được phân loại. Rác có khả năng tái sử dụng và rác thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình nếu phân loại đúng quy định thì không phải chi trả phí.
Điều chỉnh giá xăng 10 ngày 1 lần
Theo Nghị định 95/2021 (sửa đổi bổ sung Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu), từ ngày 2/1/2022, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước mỗi tháng điều chỉnh ba lần, tức 10 ngày một lần thay vì 15 ngày như hiện nay.
Thời gian điều hành giá xăng dầu tăng lên 3 lần một tháng (ngày 1, ngày 11 và 21 hàng tháng), mỗi kỳ điều chỉnh giá cách nhau 10 ngày. Các kỳ điều hành trùng ngày nghỉ, ngày lễ thì thời gian điều chỉnh giá lùi sang ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.
Nếu giá các mặt hàng xăng dầu biến động bất thường, ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế xã hội, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều chỉnh.
Không đội mũ bảo hiểm bị phạt đến 600.000 đồng
Nghị định 123/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng sẽ có hiệu lực từ 1/1/2022.
Theo đó, hành vi không đội “mũ bảo hiểm” hoặc đội “mũ bảo hiểm” nhưng không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. Mức phạt này tăng gấp đôi so với Nghị định 100/2019 (200.000-300.000 đồng).
Cũng theo Nghị định này, người điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) sẽ bị phạt tiền 4-6 triệu đồng.
Nghị định 100/2019 quy định mức xử phạt với hành vi này là từ 800.000 đồng đến một triệu đồng. Như vậy, mức xử phạt với hành vi nêu trên sẽ tăng lên 6 lần từ đầu năm 2022.
Xử phạt hành chính đến 1 tỷ đồng
Từ 1/1/2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ có hiệu lực thi hành. Luật quy định mức phạt tiền tối đa với các cá nhân lên đến một tỷ đồng nếu vi phạm quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ; năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; hoạt động dầu khí và khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; thủy sản.
Luật cũng quy định phạt tối đa 500 triệu đồng nếu vi phạm ở lĩnh vực xây dựng; lâm nghiệp; đất đai; kinh doanh bất động sản. Mức phạt 250 triệu đồng áp dụng với lĩnh vực điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thủy lợi; sở hữu trí tuệ; báo chí.
Mức phạt 200 triệu đồng áp dụng với lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mức phạt 150 triệu đồng áp dụng với lĩnh vực quản lý giá; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý, phát triển nhà và công sở; đấu thầu; đầu tư.
Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Theo Nghị định 108, từ ngày 1/1/2022, lương hưu, trợ cấp xã hội, trợ cấp hàng tháng của người hưởng lương hưu thấp, người về hưu trước năm 1995 sẽ được tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu của tháng 12/2021.
Người hưởng lương hưu, trợ cấp trước ngày 1/1/1995 sẽ được điều chỉnh đạt 2,5 triệu đồng một tháng. Người hưởng thấp hơn 2,3 triệu đồng được tăng thêm 200.000 đồng mỗi tháng; người hưởng từ 2,3 đến dưới 2,5 triệu đồng được điều chỉnh đủ 2,5 triệu đồng.
Có tám nhóm được tăng lương hưu, trợ cấp, trong đó có cán bộ xã, phường, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; người hưởng trợ cấp mất sức lao động, công nhân cao su, người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bộ đội, công an tham gia kháng chiến chống Mỹ đã xuất ngũ về địa phương...
Nguồn kinh phí tăng lương hưu, trợ cấp từ ngân sách nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội. Dự kiến tổng kinh phí điều chỉnh khoảng 12.650 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước bổ sung cho người nghỉ hưu trước năm 1995 là 3.648 tỷ đồng.