Ngày 28/8/1945, Bản Tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã quyết định hình thành cơ cấu các cơ quan hành chính Nhà nước đầu tiên, trong đó có Bộ Thông tin tuyên truyền là một thành viên. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 28/8/1945 làm ngày truyền thống để khắc ghi dấu mốc hình thành cơ quan Nhà nước trên lĩnh vực Văn hóa-Thông tin gắn liền với sự ra đời bộ máy chính quyền cách mạng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trong khí thế thắng lợi ngùn ngụt như triều dâng thác đổ của Cách mạng Tháng Tám, ngày 28/8/1945, Bản Tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã quyết định hình thành cơ cấu các cơ quan hành chính Nhà nước đầu tiên, trong đó có Bộ Thông tin tuyên truyền là một thành viên. 78 năm qua, tên gọi cơ quan Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa-thông tin có nhiều lần thay đổi cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm và yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn, thời kỳ lịch sử:
- Ngày 28/8/1945, thành lập Bộ Thông tin - Tuyên truyền
- Ngày 1/1/1946, đổi thành Bộ Tuyên truyền- Cổ động
- Ngày 13/5/1946, đổi thành Nha Tổng giám đốc thông tin - Tuyên truyền, dưới quyền chỉ huy và kiểm soát trực tiếp của Bộ Nội vụ.
- Ngày 27/11/1946, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh đổi thành Nha Thông tin.
- Ngày 10/7/1951, Chủ tịch nước sáp nhập Nha Thông tin thuộc Bộ Nội vụ vào Thủ tướng Chính phủ.
- Ngày 24/2/1952, hợp nhất Nha Thông tin và Vụ Văn học, nghệ thuật thuộc Bộ Giáo dục thành Nha Tuyên truyền và văn nghệ thuộc Thủ tướng Chính phủ.
- Tháng 8/1954, Hội đồng Chính phủ thành lập Bộ Tuyên truyền
- Ngày 20/9/1955, Quốc hội khóa V thông qua đổi tên thành Bộ Văn hóa.
- Ngày 1/10/1965, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn thành lập Tổng Cục Thông tin thuộc Hội đồng Chính phủ
- Ngày 6/6/1965, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập Bộ Thông tin- Văn hóa.
- Sau khi đất nước thống nhất, Ngày 24/6/1976, Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ nhất thành lập Bộ Văn hóa.
- Ngày 13/7/1977, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa VI phê chuẩn hợp nhất Tổng cục Thông tin và Bộ Văn hóa thành Bộ Văn hóa và Thông tin.
- Ngày 24/6/1981, Quốc hội khóa VII, kỳ họp thứ nhất, đổi tên Bộ Văn hóa và Thông tin thành Bộ Văn hóa.
- Ngày 16/2/1987, Hội đồng Nhà nước quyết định thành lập Bộ Thông tin.
- Ngày 31/3/1990, Hội đồng Nhà nước thành lập Bộ Văn hóa-Thông tin- Thể thao và Du lịch.
- Ngày 27/7/1991, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9 đổi thành Bộ Văn hóa- Thông tin và Thể Thao.
- Ngày 30/9/1992, Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ nhất quyết định đổi thành Bộ Văn hóa-Thông tin.
- Ngày 31 tháng 7 năm 2007 lại đánh dấu một bước ngoặt lớn của Ngành: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được thành lập, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực (Nghị quyết số: 01/2007/QH12) trên cơ sở sáp nhập Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao; tiếp nhận phần quản lý nhà nước về gia đình từ Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em.
Từ năm 2009 đến nay, toàn Ngành tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn và các hoạt động của Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội; hoàn thành việc xây dựng các đề án lớn triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về "tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới"; đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020; Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020; Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030; Quy hoạch phát triển thể dục thể thao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình v.v…
Với những thành tựu to lớn đã đạt được trong 78 năm qua kể từ ngày thành lập, Ngành đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh cao quý. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước./.